Tổng hợp tên các trò chơi dân gian Việt Nam thú vị, bổ ích

Những trò chơi dân gian không chỉ là những trò chơi giải trí đơn thuần mà chúng còn là nét truyền thống lâu đời của dân tộc ta. Tuy đây đều là những trò chơi đơn giản nhưng lại có thể giúp trẻ rời xa màn hình điện thoại và tiến gần hơn đến việc khám phá thế giới, gắn kết với bạn bè, phát triển những sở trường cũng như tăng cường IQ, EQ, AQ,… Dưới đây Mongaotutien sẽ giới thiệu đến bạn tên các trò chơi dân gian Việt Nam thú vị, vô cùng phổ biến đã có mặt từ lâu đời và cách chơi của từng trò trong bài viết sau.

Danh sách tên các trò chơi dân gian Việt Nam phổ biến

Dưới đây là tên các trò chơi dân gian Việt Nam đã có mặt từ lâu đời ở nước ta, là tuổi thơ của rất nhiều người kèm theo đó là hướng dẫn cách chơi của từng trò mà bạn có thể tham khảo.

Dung dăng dung dẻ

Đây là một trong những trò chơi dân gian được nhiều người biết đến và rất yêu thích. Để chơi trò này bạn nên chơi ở những không gian có diện tích rộng rãi như sân nhà, bãi đất trống. Số lượng người chơi khoảng 5 – 10 người. Sẽ có một người quản trò vẽ sẵn các vòng tròn nhỏ trên đất, số lượng vòng tròn sẽ ít hơn số người chơi.

Khi chơi các người tham gia sẽ nắm áo nhau tạo thành một hàng đi quanh các vòng tròn và cùng đọc câu đồng dao “dung dăng dung dẻ, dắt trẻ đi chơi. Đi đến cổng trời, gặp cậu gặp mợ. Cho cháu về quê, cho dê đi học, cho cóc ở nhà, cho gà bới bếp. Ngồi xệp xuống đây”.

Khi đọc hết thì lúc này người chơi cần nhanh chóng tìm một vòng tròn và ngồi xuống. Người không có vòng tròn sẽ là người bị thua và sẽ loại khỏi trò chơi. Trong trường hợp có 2 người cùng ngồi trong 1 vòng tròn, nếu như người nào ngồi xuống trước sẽ là người thắng.

Sau mỗi lần chơi, sẽ xoá đi 1 vòng tròn và bắt đầu chơi lại như trên cho đến khi số lượng người chơi chỉ còn lại 2 người.

Ô ăn quan – Danh sách tên các trò chơi dân gian Việt Nam

Người chơi sẽ vẽ một hình chữ nhật được chia đôi theo chiều dài, ngăn thành 5 hàng ngang cách khoảng đều nhau, để có được 10 ô vuông nhỏ.

Sau đó, 2 người chơi sẽ đi hai bên, người thứ nhất đi quan với nắm sỏi trong ô vuông nhỏ, các sỏi được rải đều xung quanh từng viên một cho mỗi ô. Khi đến hòn sỏi cuối cùng người chơi sẽ lấy sỏi ô bên cạnh để đi và cứ thế tiếp tục đi quan (bỏ sỏi nhỏ vào từng ô liên tục). Vậy là những viên sỏi sẽ thuộc về người chơi đó, đến khi nào phía trước không còn sỏi đi thì lúc này người đối diện mới được bắt đầu.

Đến lượt đối phương đi quan cũng như người đầu tiên, cả hai thay phiên nhau đi quan cho đến khi nào nhặt được phần ô quan lớn và lấy hết phần của đối phương. Sẽ phân thắng thua dựa theo số lượng của các viên sỏi ăn được.

Tổng hợp tên các trò chơi dân gian Việt Nam thú vị, bổ ích
Ô ăn quan – Tên các trò chơi dân gian Việt Nam

>>> Xem thêm: Hướng dẫn cách pha trà sữa bằng trà đen thơm béo, đậm đà

Mèo bắt chuột

Trong bài viết tìm hiểu tên các trò chơi dân gian Việt Nam hôm nay không thể thiểu trò mèo bắt chuột. Đây là trò chơi dân gian tập thể nổi tiếng của Việt Nam, sẽ có từ 7 – 10 người chơi. Tất cả người chơi cần chọn ra 2 người. Hai người chơi này sẽ oẳn tù tì để xác định vai trò mèo, chuột.

Khi bắt đầu chơi, những người còn lại sẽ nắm tay nhau đứng tạo thành vòng tròn. Hai người chơi đóng vai chuột, mèo sẽ đứng giữa vòng và quay lưng lại với nhau.

Khi có hiệu lệnh bắt đầu, chuột sẽ chạy và mèo phải đuổi theo để đi bắt chuột. Chuột lúc này sễ phải chạy luồn lách qua các khoảng trống dưới các cánh tay của những người chơi khác. Chuột chạy chỗ nào, thì mèo phải chạy đúng vào hang đó, để có thể tìm cách chạm được vào mèo.

Những người chơi khác sẽ hát bài hát đồng dao và khi bài hát kết thúc, tất cả các người chơi đồng loạt ngồi thụp xuống. Kết thúc ván chơi, nếu như mèo không chạm được vào chuột thì đồng nghĩa với mèo thua và ngược lại.

Rồng rắn lên mây – Tên các trò chơi dân gian Việt Nam phổ biến

Rồng rắn lên mây là một trò chơi hay rất thích hợp với các em nhỏ khi vừa vui nhộn lại vừa bổ ích. Để bắt đầu trò chơi sẽ cần chọn ra một người làm thầy thuốc, những người còn lại sẽ xếp hàng một, tay người sau nắm vào vạt áo hoặc đặt trên vai của người phía trước. Sau đó tất cả bắt đầu đi lượn qua lượn lại giống như con rắn, vừa đi vừa hát: “Rồng rắn lên mây. Có cái cây lúc lắc. Hỏi thăm thầy thuốc. Có nhà hay không?”

Người đóng vai thầy thuốc trả lời: “Thấy thuốc đi chơi!” (hay cũng có thể thay bằng đi chợ, đi vắng nhà, đi câu cá, … tùy ý mà chế ra).

Đoàn người lại đi và hát tiếp cho đến khi người thầy thuốc trả lời: “Có!”

Và bắt đầu cuộc đối thoại như sau:

Thầy thuốc hỏi: “Rồng rắn đi đâu?”

Người đứng làm đầu rồng rắn sẽ trả lời: “Rồng rắn đi lấy thuốc chữa bệnh cho con.”

  • Con lên mấy?
  • Con lên 1
  • Thuốc chẳng hay
  • Con lên 2
  • Thuốc chẳng hay

Cứ thế cho đến đoạn:

  • Con lên 10
  • Thuốc hay vậy

Kế đó thì thầy thuốc sẽ đòi hỏi:

  • Xin khúc đầu.
  • Những xương cùng xẩu.
  • Vậy xin khúc giữa.
  • Những máu cùng me.
  • Vậy xin khúc đuôi.
  • Tha hồ mà đuổi.

Lúc này người thầy thuốc phải tìm cách làm sao mà bắt cho được người cuối cùng trong hàng rồng rắn.

Tổng hợp tên các trò chơi dân gian Việt Nam thú vị, bổ ích
Rồng rắn lên mây – Tên các trò chơi dân gian Việt Nam

Ngược lại thì người đứng đầu hàng lúc này phải dang tay chạy, cố ngăn cản để không cho người thầy thuốc bắt được đuôi của mình. Trong lúc đó người đứng ở đuôi rồng rắn phải chạy và tìm cách né thầy thuốc. Nếu thầy thuốc bắt được người cuối cùng thì người này phải ra làm thầy thuốc. Nếu đang chơi giằng co giữa chừng nhưng rồng rắn bị đứt ngang thì trò chơi sẽ tạm ngừng để nối lại và tiếp tục trò chơi.

Oẳn tù tì

Tiếp tục trong danh sách tên các trò chơi dân gian Việt Nam phổ biến hiện nay thì oẳn tù tì cũng là một trò chơi được nhiều người biết đến. Trò chơi này chỉ có 2 người, để có thể chọn ra được người có quyền ưu tiên hoặc chơi trước ở bất kỳ trò chơi nào thì sẽ thường cần đến Oẳn tù tù. Những vật dụng lúc này sẽ được thể hiện qua bàn tay như là:

  • Cái búa: nắm các ngón tay lại trông giống như quả đấm
  • Cái kéo: nắm 3 ngón tay lại, xòe ngón trỏ và ngón giữa ra ta có hình cái kéo
  • Cái bao: xòe cả 5 ngón tay ra

Khi cả 2 cùng đọc: “Uýnh Sình Sầm mày ra cái gì? Tao ra cái này”. Trong lúc này thì bàn tay được dấu sau lưng và khi dứt câu thì cả 2 người sẽ đưa tay ra cùng một lúc. Phân định thắng thua bằng cách: Cái búa đập cái kéo, cái kéo sẽ cắt cái bao, cái bao trùm cái búa. Nếu 2 người chơi cùng ra giống nhau thì trò chơi sẽ bắt đầu lại.

Nhảy dây

Trò này có thể chơi 1 người bằng cách người chơi cầm 2 đầu dây, dang rộng tay. Lúc này dây để sau lưng. Người chơi sẽ vừa quay 2 tay cầm dây để dây đi ra phía trước và vừa nhảy thẳng chân sao cho dây đi qua đầu rồi tiếp đó đi qua chân. Cứ chơi tiếp tục như vậy và tính theo số lượng cái nhảy được.

Ngoài ra, trò này cũng có thể chơi nhảy cặp đôi hay tập thể. Có từ 1- 2 người cầm dây như cách chơi có 1 người và quay dây sao cho dây qua đầu và chân.

Tổng hợp tên các trò chơi dân gian Việt Nam thú vị, bổ ích
Nhảy dây – Tên các trò chơi dân gian Việt Nam

Chi chi chành chành – Tên các trò chơi dân gian Việt Nam được yêu thích

Đây là một trò chơi dân gian cần từ 3 người trở lên, trong đó một người sẽ đứng ra xòe bàn tay để cho những người khác giơ ngón trỏ đặt vào lòng bàn tay của mình. Người xòe bàn tay sẽ đọc thật nhanh bài đồng dao: “Chi chi chành chành. Cái đanh thổi lửa. Con ngựa chết chương. Ba vương ngũ đế. Chấp chế đi tìm. Ù à ù ập”

Đọc đến chữ “ập” thì lập tức người xòe tay sẽ nắm lại. Lúc này những người khác sẽ cố gắng rút tay ra thật nhanh. Nếu như ai rút không kịp sẽ bị nắm trúng và phải vào thế chỗ cho người xòe tay.

Kéo co

Với trò kéo co thì số người chơi sẽ được chia đều làm 2 phe. Có khi cả hai bên đều là nam, có khi bên nam, bên nữ. Trong trường hợp bên nam thi đấu với bên nữ thì dân làng thường chọn những người nam nữ chưa vợ chưa chồng để vào chơi với nhau.

Hai bên sẽ xúm nhau nắm lấy sợi dây thừng dài và sau đó dùng hết sức để kéo sao cho phe đối phương ngã về phía mình là thắng cuộc. Bên ngoài mọi người sẽ cổ vũ hai bên. Kéo co thường sẽ chơi kéo ba keo, bên nào thắng liên tục ba keo là bên ấy được.

Trốn tìm – Tên các trò chơi dân gian phổ biến

Người chơi sẽ cử 1 bạn đi tìm (có thể là xung phong hoặc chọn bằng cách chơi oẳn tù tì). Nhắm mắt thật chặt (có thể dùng khăn hoặc miếng vải để bịt mắt). Những người chơi còn lại sẽ tản ra xung quanh để đi trốn. Khi bạn bịt mắt hỏi: “Xong chưa?” (hoặc đếm từ 5, 10, 15,…100). Lúc này sẽ có một bạn trốn đại diện trả lời: “Xong!”. Bạn đi tìm sẽ mở mắt đi tìm.

Trong khoảng thời gian quy định, nếu bạn đi tìm tìm thấy ai thì người ấy thua cuộc. Còn nếu không tìm thấy bạn nào thì sẽ chịu phạt. Bạn đi tìm trong thời gian quy định nếu như tìm thấy hết tất cả người chơi sẽ thắng cuộc.

Tổng hợp tên các trò chơi dân gian Việt Nam thú vị, bổ ích
Trốn tìm – Tên các trò chơi dân gian Việt Nam

Cướp cờ

Trong danh sách tên các trò chơi dân gian Việt Nam thường thấy trong mỗi dịp lễ hội, trò chơi hội nhóm không thể thiếu trò cướp cờ. Đây là một trò chơi chia người chơi thành nhiều đội (từ 2 đội chơi trở lên). Lúc này các người chơi sẽ đứng hàng ngang ở vạch xuất phát của đội mình. Sau đó trọng tài sẽ phân các người chơi trong đội theo từng số thứ tự 1, 2, 3, 4, 5,… mỗi người chơi trong đội phải nhớ số chính xác của mình.

Khi quản trò gọi đến số nào thì người chơi của số đó ở từng đội sẽ phải nhanh chóng chạy đến vòng và cướp cờ với thành viên có số tương tự ở các đội bạn.

Hoặc nếu quản trò gọi số nào về thì số đó phải về. Trong quá trình gọi số, quản trò cũng có thể gọi nhiều số cùng một lúc để lên tranh cướp cờ.

Trong quá trình chơi, khi đang cầm cờ mà bị đối phương vỗ vào người thì người đó sẽ bị loại. Ngược lại khi lấy được cờ sẽ phải chạy nhanh chóng về vạch xuất phát của đội mình để không bị đội bạn vỗ vào người thì mới thắng.

Cá sấu lên bờ

Trò chơi dân gian này có luật như sau: Sẽ có một người chơi làm cá sấu để di chuyển dưới nước. Còn những người chơi khác sẽ chia nhau đứng trên bờ. Sau đó những người chơi sẽ chọc tức cá sấu bằng cách đợi cá sấu ở xa thì thò một chân xuống nước hoặc nhảy xuống nước và hát “Cá sấu, cá sấu lên bờ”. Khi nào cá sấu chạy đến bắt thì phải nhanh chóng nhảy ngay lên bờ.

Người chơi nào nhảy lên bờ không kịp và bị cá sấu bắt được thì sẽ thua cuộc và phải thay vào làm cá sấu.

Ném lon – Tổng hợp tên các trò chơi dân gian Việt Nam

Để tham gia trò chơi dân gian Việt Nam này, bạn cần chuẩn bị những quả banh nhỏ và một số lon sữa, lon nước rỗng. Lon rỗng sẽ được xếp chồng lên nhau theo hình tháp. Vạch một đường mức nằm cách dãy lon một khoảng cố định. Chia cho mỗi đội chơi 3 trái banh. Đội nào chọi hết số banh và có số lượng lon ngã nhiều hơn sẽ là đội thắng. Đội nào đứng ném lon mà chân chạm vào mức đã quy định thì sẽ không được tính.

Tổng hợp tên các trò chơi dân gian Việt Nam thú vị, bổ ích
Ném lon – Tên các trò chơi dân gian Việt Nam

Tập tầm vông

Tên các trò chơi dân gian Việt Nam hay, thú vị không thể thiếu trò tập tầm vông. Để chơi trò này sẽ cần 2 người hoặc 3, 4 người chơi. Một người sẽ nắm một đồ vật nhỏ trong tay trái hoặc tay phải của mình và giấu vào sau lưng. Sau đó đọc bài đồng dao: “ Tập tầm vông, tay không tay có. Tập tầm vó, tay có tay không. Tay không tay có, tay có tay không?”

Đồng thời đó nắm chặt lòng bàn tay vào và đưa 2 tay ra. Những người chơi còn lại sẽ đoán xem liệu tay nào đang nắm viên sỏi.

Nếu người chơi bị đoán trúng tay đang nắm viên sỏi hay là những người chơi còn lại không đoán được tay nào nắm viên sỏi thì sẽ tùy vào quy định của cuộc chơi mà có thể bị phạt khác nhau.

Đi cà kheo

Một trò chơi dân gian tập thể thường được tổ chức ở bãi biển hay các dịp lễ hội ở nhiều nơi đó chính là đi cà kheo. Người chơi sẽ chia làm 2 đội để thi đấu với nhau.

Cây cà kheo được làm bằng tre, có độ cao khoảng 1.5m – 2m. Mỗi người sẽ đi trên cây cà kheo này để thi đấu. Nếu như ai ngã khi đang thi đấu hoặc không về kịp thời gian thi đấu thì sẽ bị phạt theo quy định của cuộc chơi.

Tổng hợp tên các trò chơi dân gian Việt Nam thú vị, bổ ích
Đi cà kheo – Tên các trò chơi dân gian Việt Nam

Lò cò – Danh sách tên các trò chơi dân gian Việt Nam

Để chơi trò này sẽ cần kẻ 10 ô vuông, trò chơi có thể có ít hay nhiều người tham gia. Mỗi người chơi có một đồng chàm hoặc viên sỏi được dùng để thảy vào ô và người chơi nào đi hết vòng thì cất nha và được đi tiếp cho đến khi mất lượt. Tuy nhiên nếu đạp trúng vạch kẻ hay thảy ra ngoài thì người chơi đó bị mất lượt và đến phần chơi của người khác.

Bắn bi

Bắn bi được biết là trò chơi dân gian được các bé trai rất yêu thích. Đặc biệt là ở vùng nông thôn Việt Nam. Cách chơi bắn bi ở mỗi vùng cũng có nhiều điểm khác nhau nhưng đều sẽ là tạo lực lên viên bi để nhắm bắn trúng đích được quy định sẵn có một số lượng bị được đặt. Hoặc cũng có thể bắn trúng bi đối phương và lấy số bi đã bắn trúng.

Chơi u

Chơi u sẽ cần số người từ 10 người trở lên, chia thành 2 đội A và B. Mỗi bên sẽ có số lượng thành viên bằng nhau.

U thường được chơi trên một khoảng sân vuông rộng chia đôi, mỗi bên sẽ thuộc về 1 đội với 1 đường ấn định làm biên giới. Ở hai đầu sân đối nhau chính là “ngục.

Trò chơi bắt đầu khi một thành viên bên đội A vượt biên giới qua bên đội B tấn công. Đội viên đó miệng phải phát âm “u…” liên tục, không được ngắt hơi và đủ lớn để đối phương có thể nghe thấy. Trong khi đó bên B sẽ cố xúm vào bắt được đội viên này. Nếu như ghì được người đó và người này ngừng phát âm “u…” vì cạn hơi không thể về được bên A thì bên B sẽ bắt người này làm tù nhân.

Tuy nhiên nếu đội viên bên A đụng được bất cứ ai bên đội B và trở về bên đội mình một cách an toàn trước khi đứt hơi “u”. Thì lúc này tất cả những người bên B bị đụng được sẽ bị bắt sang A làm tù nhân. Trò chơi chấm dứt khi một bên bắt được tất cả thành viên của đội bên kia.

Bịt mắt bắt dê

Trong danh sách tên các trò chơi dân gian Việt Nam được yêu thích thì bịt mắt bắt dê cũng là một trò chơi tuổi thơ của rất nhiều người. Trò này sẽ có một người xung phong để mọi người bịt mắt lại bằng một chiếc khăn, những người còn lại sẽ đứng thành vòng tròn vây xung quanh người bị bịt mắt.

Mọi người chạy quanh người bị bịt mắt, khi hô “bắt đầu” hoặc “đứng lại” thì tất cả mọi người sẽ đứng yên tại chỗ. Lúc này người bị bịt mắt sẽ tìm xung quanh để có bắt được những người chơi khác. Đến khi có người bị bắt và người bị bịt mắt lúc này cần đoán đúng tên người mình chạm vào. Nếu đoán đúng thì người này sẽ phải ra “bắt dê”. Còn nếu như đoán sai lại bị bịt mắt lại và tiếp tục chơi.

Tổng hợp tên các trò chơi dân gian Việt Nam thú vị, bổ ích
Bịt mắt bắt dê – Tên các trò chơi dân gian Việt Nam

Nhảy bao bố

Người chơi chia thành từng đội, mỗi đội phải có số lượng thành viên bằng nhau, xếp thành 1 hàng dọc. Mỗi đội có một ô hàng dọc để nhảy và có 2 lằn mức một xuất phát và một mức đích. Người đứng đầu bước vào trong bao bố 2 tay giữ lấy miệng bao.

Sau khi nghe lệnh xuất phát, người đứng đầu mỗi đội sẽ nhảy đến đích rồi sau đó lại quay trở lại mức xuất phát đưa bao bố cho người thứ 2. Khi nào người thứ nhất nhảy về đến đích thì người thứ 2 mới bắt đầu nhảy. Cứ như vậy lần lượt thực hiện cho đến người cuối cùng. Đội nào hoàn thành trước thì đội đó thắng

Ném còn

Ném còn là trò chơi dân gian tín ngưỡng từ xa xưa của đồng bào các dân tộc như là: Mường, Tày, Thái, Hmông trong các dịp hội xuân. Trò chơi này mang ý nghĩa phồn thực, cầu mong giao hoà âm – dương, mùa màng tươi tốt nên được những người đồng bài dân tộc vô cùng yêu thích.

Quả còn sẽ có hình cầu, to bằng nắm tay trẻ nhỏ. Chúng được khâu bằng nhiều múi vải màu sắc, bên trong có nhồi thóc và hạt bông (thóc dùng để nuôi sống con người, bông cho sợi để dệt vải). Quả còn có các tua vải nhiều màu dùng để trang trí và có tác dụng định hướng trong khi bay.

Sân ném còn thường là bãi đất rộng, ở giữa có chôn một cây cao trên đỉnh có một “vòng còn” hình tròn (khung còn). Khung còn một mặt dán giấy đỏ (được xem như biểu tượng cho mặt trời), mặt kia sẽ được dán giấy vàng (là biểu tượng cho mặt trăng). Người chơi sẽ đứng đối mặt với nhau qua cây còn và ném quả còn lọt qua vòng còn trên đỉnh cột là thắng cuộc.

Tổng hợp tên các trò chơi dân gian Việt Nam thú vị, bổ ích
Ném còn – Tên các trò chơi dân gian Việt Nam

Chơi chuyền – Tên các trò chơi dân gian Việt Nam được yêu thích

Chơi chuyền là một trò chơi dân gian thường dành cho con gái. Số người chơi 2 – 5 người. Đồ chơi sẽ gồm có 10 que gỗ nhỏ và một quả bóng tròn nhỏ.

Cầm quả ở tay phải, tung lên không trung và nhanh chóng nhặt từng que. Lặp lại cho đến khi quả bóng rơi xuống đất là mất lượt. Chơi từ bàn 1 (lấy 1 que/ một lần tung), bàn 2 (lấy 2 que/một lần tung) cho đến 10. Trong lúc chơi vừa nhặt quả chuyền vừa hát những câu thơ phù hợp với từng bàn. “Một mốt, một mai, con trai, con hến,… Đôi tôi, đôi chị… Ba lá đa, ba lá đề,…”

Hết bàn mười thì sẽ đến chơi chuyền bằng 2 tay: chuyền 1 vòng, 2 vòng hoặc 3 vòng…  Khi người chơi không nhanh tay hay nhanh mắt để bắt được bóng và que cùng một lúc sẽ bị mất lượt. Lúc đó lượt chơi sẽ chuyển sang người bên cạnh.

Đánh quay

Đánh quay là một trò chơi dân gian thường dành cho con trai. Thường sẽ chơi thành nhóm từ 2 người trở lên, nếu đông có thể chia thành nhiều nhóm hơn.

Đồ chơi là một con quay bằng gỗ hay sừng có hình nón cụt, có chân bằng sắt. Sẽ sử dụng một sợi dây, quấn từ dưới lên trên rồi cầm một đầu dây thả thật mạnh để cho con quay quay tít. Con quay của ai quay lâu nhất thì người đó được. Có thể sử dụng một con quay khác bổ vào con quay đang quay mà nó vẫn quay thì người chủ của con quay đó sẽ được nhất.

Tổng hợp tên các trò chơi dân gian Việt Nam thú vị, bổ ích
Đánh quay – Tên các trò chơi dân gian Việt Nam

>>> Xem thêm:  Hướng dẫn cách làm lòng đèn bằng chai nhựa cực dễ

Kéo cưa lừa xẻ

Kéo cưa lừa xẻ là một trò chơi không thể thiểu trong danh sách tên các trò chơi dân gian Việt Nam hôm nay do Mongaotutien muốn chia sẻ đến bạn.

Hai người sẽ ngồi đối diện, cầm chặt tay nhau. Vừa hát vừa kéo tay đẩy qua đẩy lại giống như đang cưa một khúc gỗ. Mỗi lần hát một từ thì lại đẩy hay kéo về một lần. Bài hát đồng dao là:

“Kéo cưa lừa xẻ. Ông thợ nào khỏe. Về ăn cơm vua. Ông thợ nào thua. Về bú tí mẹ”.

Hoặc có thể là: “Kéo cưa lừa xẻ. Làm ít ăn nhiều. Nằm đâu ngủ đấy. Nó lấy mất của. Lấy gì mà kéo”

Đập niêu đất

Đập niêu đất là một trò chơi dân gian không còn xa lạ đối với mọi người.

Trò chơi này thường sẽ được tổ chức ở các sân lớn. Trước khi chơi, mọi người sẽ thường đặt giữa sân hai chiếc cột cách nhau 5m. Ở 2 đầu thân cột được nối bằng sợi dây thừng để làm giá treo niêu đất. Điểm xuất phát nằm cách giá treo niêu khoảng 3 – 5m.

Trước khi tham gia trò chơi, người chơi sẽ được trọng tài trao cho một chiếc gậy dài khoảng 50cm. Những người tham gia trò chơi sẽ bị bịt mắt lại và đứng tại vị trí vạch xuất phát. Người chơi lúc này sẽ tự ước lượng khoảng cách và tiến lên phía trước để có đập trúng chiếc niêu đất có treo trên dây. Người nào đập trúng niêu sẽ có thể nhận được một phần thưởng được ghi trong mẫu giấy nhỏ đặt trong chiếc niêu vỡ đó

Tổng hợp tên các trò chơi dân gian Việt Nam thú vị, bổ ích
Đật niêu đất – Tên các trò chơi dân gian Việt Nam

Kết luận

Đây là tất cả tên các trò chơi dân gian Việt Nam cực kỳ phổ biến, được yêu thích và là tuổi thơ của rất nhiều thế hệ. Hi vọng qua đó đã giúp bạn hiểu rõ hơn về văn hóa, những trò chơi truyền thống ngày xưa của nước ta. Nếu thấy bổ ích thì đừng quên chia sẻ bài viết rộng rãi đến với mọi người, gìn giữ lâu hơn nữa nét đẹp văn hóa này bạn nhé!

Bài viết này có hữu ích với bạn

Click đánh giá cho bọn mình có động lực nhé

Trung bình 1 / 5. Lượt đánh giá: 1

No votes so far! Be the first to rate this post.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

You might like

© 2024 Mộng Ảo Tu Tiên - Game Thủ thuật
Copy thành côngĐóng lại